Chia sẻ tại hội thảo về tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 22/8 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 doanh nghiệp.

Tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Có những doanh nghiệp hoạt động nhờ 90-100% vốn vay ngân hàng, tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay thì rõ ràng là rất khó.

Theo Phó Thống đốc, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ lại gặp khó như hiện nay. Thế giới đang tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi chúng ta phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Dù vậy, Phó Thống đốc cũng chỉ ra thực trạng hiện nay là thanh khoản trong các ngân hàng đang rất dồi dào. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục dùng các công cụ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ vốn cho ngân hàng thương mại.

Ngân hàng đang dư thừa tiền (Ảnh: H.H)

Các ngân hàng thương mại cũng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hạ điều kiện tín dụng ồ ạt thì chất lượng tín dụng xuống thấp, nợ xấu tăng cao. Trong khi “cục máu đông” nợ xấu từ năm 2011 đến nay mới tạm xử lý xong.

“Nếu các khoản nợ xấu tăng lên chúng ta sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn là xử lý nợ xấu, tạo sự ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế và những khó khăn chung”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Về việc nhiều ngân hàng đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất, ông Tú cho rằng các ngân hàng chủ yếu sống nhờ tín dụng, khi đã huy động vào thì phải cho vay ra, không thể cất giữ trong két.

Tuy nhiên, việc ngân hàng đang dư thừa tiền nhưng lại không thể cho vay cũng giống như doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến hàng tồn kho.

Ngân hàng có thể giảm lãi suất giống như doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng doanh nghiệp có thể thua lỗ chứ ngân hàng không thể thua lỗ.

“Ngân hàng mà thua lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, một doanh nghiệp đổ vỡ có thể ảnh hưởng vài trăm lao động nhưng một ngân hàng nếu đổ vỡ sẽ kéo theo cả hệ thống. Cho nên hoạt động ngân hàng phải đảm bảo sự an toàn, lành mạnh. Ngân hàng có thể lãi nhiều hay lãi ít nhưng không thể lỗ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) – những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp của NHNN và ngành ngân hàng, bà Hà Thu Giang cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương.

Như về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV…

Cùng với đó là sự vào cuộc của các hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động… nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Theo Tuân Nguyễn

Vietnamnet.vn