Cuối phiên thảo luận về kinh tế – xã hội sáng 1/11/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo trước Quốc hội tổng quan công tác điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời có những giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Thời điểm và liều lượng hợp lý
Báo cáo một cách tổng quát về điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn dự báo. Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn.
“Đây là những vấn đề tạo áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong mọi tình huống”, Thống đốc nói.
Trước bối cảnh khó khăn và nhiệm vụ nêu trên, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt; thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với thời điểm và liều lượng hợp lý, qua đó đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế, đó là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo trước Quốc hội |
“Khi thiết kế các chính sách điều hành tiền tệ, NHNN đã luôn quán triệt chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ, đó là các chính sách cần phải ứng phó với những diễn biến cấp bách trước mắt, nhưng cũng phải thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ về trung và dài hạn. Có như vậy chúng ta mới hướng đến đảm bảo cân đối vĩ mô một cách bền vững”, Thống đốc nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) nhận định tăng trưởng tín dụng khó đạt được mục tiêu trong năm nay |
Về vấn đề được các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến nhiều nhất trong các phiên thảo luận vừa qua là điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng. Thống đốc cho biết, trong năm 2023, NHNN đã điều hành linh hoạt về tín dụng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các giải pháp để thúc đẩy cả bên cung cũng như bên cầu vốn tín dụng.
Đối với các giải pháp bên cung, ngay từ đầu năm NHNN đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm nay đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN cũng điều hành linh hoạt trong hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Đối với chính sách bên cầu, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng NHNN cũng đã rất mạnh dạn điều chỉnh bốn lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất xuống. Đến nay, các khoản cho vay mới là giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, tức là đã trở về bằng, thậm chí là giảm khoảng 0,3% so với trước đại dịch Covid-19.
Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn
NHNN cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng như: Gói 120 nghìn tỷ đồng tín dụng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho thủy sản… Tất cả những giải pháp này đã góp phần cho thúc đẩy cầu tín dụng.
NHNN cũng phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thể tháo gỡ khó khăn, những vướng mắc về tín dụng tại các địa phương.
“Tuy nhiên là tín dụng vẫn tăng chậm. Cập nhật đến 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái”, Thống đốc thông tin.
Chính phủ và NHNN đã tổ chức rất nhiều các hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Hiện nay dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng NHNN cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp song song với những giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, như: Xúc tiến thương mại để tăng các đơn hàng xuất khẩu; tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi thì sẽ tăng sức hấp thụ tín dụng; Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, trong bối cảnh nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý.
“Hiện nay, các bộ, ngành và các địa phương cũng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn này và khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ chắc chắn là tín dụng cũng sẽ tăng theo”, Thống đốc tin tưởng.
Đối với đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước và những doanh nghiệp này cũng khó khăn trong cạnh tranh cũng như về tiềm lực tài chính nên NHNN đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh vay vốn. Có như vậy mới có thể đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Về định hướng điều hành thời gian tới, Thống đốc cho biết: “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ điều phối về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như của các tổ chức tín dụng để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, làm sao giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như hồ sơ vay vốn để rút ngắn quá trình xem xét tín dụng, tạo điều kiện có thể hỗ trợ về tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân”.
Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng này, trước đó trong thảo luận có đại biểu nêu ý kiến liên quan đến tín dụng theo Nghị định 67 về phát triển thủy sản. Báo cáo về vấn đề này trước Quốc hội, Thống đốc cho biết ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành năm 2014, NHNN đã ban hành thông tư hướng dẫn và có nhiều văn bản chỉ đạo đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai. Đến nay dư nợ tín dụng đối với Nghị định 67 là khoảng 9 nghìn tỷ đồng, nhưng có tới 8 nghìn tỷ đồng là nợ xấu và nợ đã đưa ra ngoại bảng.
“Đúng như đại biểu Quốc hội đã nêu, hiện nay doanh nghiệp, người dân khó khăn trong trả nợ và các tổ chức tín dụng cũng khó khăn trong thu hồi nợ. Như vậy cần phải có các giải pháp triệt để xử lý vấn đề này”, Thống đốc nói và thông tin, hiện nay, nghị định này Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội, NHNN sẽ ghi nhận và sẽ có những phân tích, đánh giá trong quá trình tham gia ý kiến đối với các bộ, ngành.
“Các ý kiến khác của đại biểu Quốc hội chúng tôi cũng trân trọng tiếp thu để trong quá trình điều hành trong thời gian tới làm sao cho hiệu quả hơn và tốt hơn, đặc biệt là bám sát thực hiện được những nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao phó”, Thống đốc cho biết.
Trước đó trong thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu ý kiến về Nghị định 67, cho biết nhiều chủ tàu lâm nợ, tàu hư hỏng nặng phải nằm bờ trong khi việc thu hồi nợ của các ngân hàng đối với các tàu này gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu cao.
“Ở Quảng Nam, tỷ lệ nợ xấu chiếm trên 92% dư nợ cho vay theo Nghị định 67 và chiếm tỷ lệ cao trong tổng nợ xấu. Nhiều ngư dân và các ngân hàng cho vay vốn gần như bế tắc trong việc xử lý, thu hồi nợ”, đại biểu dẫn chứng và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức đánh giá, xem xét lại một cách toàn diện, kịp thời tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, nhất là giải quyết dứt điểm nợ vay đóng tàu thông qua các giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, ưu đãi đối với từng trường hợp cụ thể, kể cả biện pháp xóa nợ, có cơ chế phù hợp để xử lý đối với các tàu hoạt động không hiệu quả, chủ tàu không đủ năng lực để tổ chức hoạt động sản xuất phải chuyển nhượng lại. |