Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần chủ động quản trị dòng tiền và đa dạng hóa nguồn vốn, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Tổng kết hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sáng 8/2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết những vướng mắc liên quan đến tín dụng ngành này tập trung chủ yếu vào mục đích vay vốn, hệ số rủi ro, room tín dụng, giá trị tài sản đảm bảo, lãi suất…
Tuy nhiên, Thống đốc mong các doanh nghiệp chia sẻ với ngành ngân hàng, bởi ngân hàng còn phải cân đối nhiều mục tiêu chung của nền kinh tế.
Không thiếu room cho bất động sản
Theo Thống đốc, dù 3 năm qua rất khó khăn, tăng trưởng tín dụng vẫn tăng đều. Đây là cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng khi vẫn phải cân đối, cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.
Thông tin tại hội nghị, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay bất động sản đã chiếm trên 20% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng, tăng 17% so với năm 2021.
Ông nhấn mạnh trong mọi thời điểm của năm 2022, ngân hàng không thiếu room cho doanh nghiệp bất động sản có dự án khả thi theo quy định của ngân hàng, cũng như nhu cầu của người dân với mục đích mua bất động sản để sử dụng.
Năm 2023, Vietcombank vẫn có định hướng tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, ngân hàng sẽ tập trung cho vay vào một số phân khúc đang ghi nhận tăng trưởng cao và phục hồi tích cực sau Covid-19 như khu công nghiệp, khu chế xuất; khu du lịch, nghỉ dưỡng; văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại…
Trong phân khúc nhà ở, các chủ đầu tư lớn, uy tín, có chất lượng tài sản tốt vẫn được ngân hàng áp dụng ưu đãi về cho vay, lãi suất. Với cá nhân mua nhà, ngân hàng cũng hướng dòng vốn tín dụng vào việc mua để tự sử dụng và thắt chặt phân khúc nhà ở cao cấp.
Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, khẳng định vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, thời gian tới ngân hàng sẽ tập trung cho vay đối với bất động sản khu công nghiệp và ưu tiên những dự án có quy mô từ 50 ha trở lên.
Đối với bất động sản nhà ở, BIDV ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh và ưu tiên các doanh nghiệp có uy tín.
Đồng thuận giảm thêm lãi suất
Liên quan hoạt động cho vay bất động sản, Tổng giám đốc Vietcombank thừa nhận gặp nhiều khó khăn khi cấp tín dụng cho ngành này, đặc biệt trong vấn đề thay đổi thủ tục pháp lý và các chính sách, quy định liên quan qua các thời kỳ.
Có trường hợp ngân hàng cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi về hồ sơ pháp lý, giấy phép dự án. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản mà tác động tới cả ngân hàng. Do đó, khi thẩm định dự án, ngân hàng cũng phải đưa ra các quy định chặt chẽ hơn.
Với cá nhân vay mua nhà, do mặt bằng giá nhà so với thu nhập của cá nhân vẫn ở mức cao, nên khi ngân hàng cho vay phải thận trọng trong việc xác minh nguồn trả nợ của khách hàng.
Liên quan đến đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về việc bỏ giấy phép xây dựng khi giải ngân, lãnh đạo BIDV cho rằng đây là quy định của Nhà nước.
“Ngân hàng cho vay cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu có những vướng mắc từ các thủ tục đầu tư, ngân hàng không thể cấp vốn. Vướng mắc ở đâu thì doanh nghiệp nên kiến nghị ở cơ quan liên quan”, ông Lâm nói.
Còn về ý kiến đối với chi phí đền bù, lãnh đạo BIDV cho rằng điều này tuỳ thuộc “khẩu vị” của từng ngân hàng. BIDV sẵn sàng ngồi lại với doanh nghiệp để xem xét tháo gỡ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank cho rằng việc cơ cấu nợ là vấn đề của thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.
“Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu”, Phó tổng giám đốc VietinBank nói.
Trong vấn đề lãi suất, lãnh đạo Vietcombank cho biết năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục chủ trương tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp. “Trước cuộc họp này, ban lãnh đạo Vietcombank và các ngân hàng thương mại lớn cũng đã họp bàn và thống nhất thời gian tới tiếp tục giảm lãi suất huy động, từ đó có dư địa giảm lãi suất cho vay, trong đó có lĩnh vực bất động sản”, ông Tùng nói thêm.
Ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi lại
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản đòi hỏi từ hai phía ngân hàng và doanh nghiệp. Riêng NHNN năm nay tiếp tục kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống.
“Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao, theo chỉ đạo ưu tiên của Thủ tướng, NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp. Bản thân NHNN không có room cụ thể cho bất động sản mà chỉ định hướng tín dụng lành mạnh, an toàn”, bà nói.
Người đứng đầu NHNN cũng cho biết việc kiểm soát rủi ro đối với bất động sản hay chứng khoán không phải là tín dụng thuần túy. Có trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng nếu cho vay dài hạn thì ngân hàng sẽ không đảm bảo an toàn hoạt động.
“NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng bất động sản. Việc này tùy thuộc vào các ngân hàng thương mại”, Thống đốc nhấn mạnh.
Về định hướng năm 2023, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp trả nợ, đồng thời tập trung tín dụng vào các dự án có pháp lý, có khả năng tiêu thụ và khả năng trả nợ, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Tôi mong muốn doanh nghiệp trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những doanh nghiệp phải vay nhiều, cần chú trọng quản trị dòng tiền.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
“Các ngân hàng phải ngồi lại với doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn cụ thể, không nói chung chung, chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay với người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau”, bà Hồng nói.
Đối với dự án nhà ở xã hội, Thống đốc yêu cầu có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc về pháp lý, thủ tục.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thống đốc cho biết đôi khi các cơ quan điều hành phải áp dụng các chính sách vĩ mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đây là sự đánh đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài luôn có một bộ phận theo dõi, đánh giá các chính sách vĩ mô để chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Bà cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn.
“Tôi biết có doanh nghiệp ngồi đây triển khai cùng lúc 50 dự án, tôi không hiểu doanh nghiệp sẽ giải quyết thế nào khi gặp khó khăn. Tôi mong muốn doanh nghiệp trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những doanh nghiệp phải vay nhiều, cần chú trọng quản trị dòng tiền.
Có thể doanh nghiệp có nhiều dự án giá trị lớn, nhưng khi cần tiền thì bán một dự án đâu có dễ, không thể có ngay được thanh khoản của dự án, nên doanh nghiệp cần quản trị dòng tiền bài bản”, bà bày tỏ.
Bên cạnh đó, bà cho rằng các doanh nghiệp cần có giải pháp đẩy mạnh năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng, cũng như đa dạng hóa nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.
Theo zingnews.vn